Người dân bắt đầu có nhu cầu dùng chữ ký số khi giao dịch trên mạng
Tỷ lệ chứng thư số cá nhân đang hoạt động đã tăng từ 7,27% năm 2018 lên 23,25% tại thời điểm tháng 9/2023. Điều này cho thấy người dân bắt đầu có thói quen và nhu cầu sử dụng chữ ký số khi giao dịch trên môi trường mạng.
Nhận định trên vừa được bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – NEAC, đưa ra tại hội nghị “Tuyên truyền về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số năm 2023” do NEAC phối hợp cùng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT), Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 26/10.
Đắk Lắk là địa phương thứ 17 triển khai chương trình thúc đẩy phổ cập chữ ký số cá nhân cho người dân. (Ảnh: Đức Đào)
Khẳng định việc thúc đẩy người dân sử dụng chữ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là một nhiệm vụ quan trọng và thiết thực, bà Tô Thị Lan Hương cho biết: Triển khai áp dụng chữ ký số rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công do Chính phủ cung cấp tới người dân, doanh nghiệp.
Chữ ký số là giải pháp được quốc tế và Việt Nam công nhận về tính pháp lý, có thể giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong giao dịch trực tuyến đặc biệt là các giao dịch đòi hỏi tính xác thực cao.
Chữ ký số được triển khai, áp dụng đúng sẽ có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ.
“Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử 2023 mới đây có nhiều quy định quan trọng về chữ ký số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng chữ ký số vào mọi hoạt động của người dân trên môi trường mạng. Chữ ký số được xem là một trong những tài sản số quan trọng nhất, một mắt xích không thể thiếu trong thời đại chuyển đổi số”, bà Tô Thị Thu Hương thông tin.
Giám đốc NEAC Tô Thị Thu Hương (thứ hai từ phải sang) và Giám đốc Sở TT&TT Đắk Lắk Trương Hoài Anh cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương tích hợp chữ ký số vào Cổng dịch vụ công của tỉnh. (Ảnh: Đức Đào)
Theo đại diện NEAC, tại Việt Nam, 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… trong khi tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 9/2023, có trên 2,2 triệu chứng thư số đang hoạt động trong đó khoảng 1,7 triệu chứng thư số doanh nghiệp, tổ chức và hơn 540.000 chứng thư số cá nhân đang hoạt động.
Việc NEAC phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị tuyên truyền về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số” tại các địa phương trên cả nước là nhằm góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời tuyên truyền cho người dân và toàn xã hội hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức sử dụng chữ ký số để có thể tự tin tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số.
Giám đốc Sở TT&TT Đắk Lắk Trương Hoài Anh đề nghị các CA công cộng bố trí nhân lực tại bộ phận một cửa thuộc để cung cấp chữ ký số miễn phí và hướng dẫn người dân dùng chữ ký số cho người dân từ ngày 26/10. (Ảnh: Đức Đào)
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở TT&TT Đắk Lắk Trương Hoài Anh nhấn mạnh, ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, Đắk Lắk đã tích hợp giải pháp tích ký số từ xa trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là trong công tác số hóa, để hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ công tác tác nghiệp, chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
“Qua hội nghị, chúng tôi kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ ký số từ xa để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, góp phần trong công cuộc chuyển đổi số của Đắk Lắk theo Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, ông Trương Hoài Anh chia sẻ.
Tại hội nghị, các diễn giả đã thông tin về những điểm mới của dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi; vai trò, lợi ích của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số; ứng dụng chữ ký số trong hoạt động một cửa; lợi ích trong việc ứng dụng chữ ký số trong trường học tại Đắk Lắk; một số hoạt động ứng dụng phổ biến chữ ký số như hóa đơn điện tử, hợp đồng điện từ...
Đại diện Sở TT&TT Đắk Lắk và các CA công cộng ký ghi nhớ phối hợp thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Đức Đào)
Đáng chú ý, trong khuôn khổ hội nghị, bên cạnh sự kiện khai trương tích hợp chữ ký số vào Cổng dịch của tỉnh, Sở TT&TT Đắk Lắk đã ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh với Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng gồm VNPT, Viettel, MISA, BKAV, Nacencomm, SAVIS.
Đắk Lắk là địa phương thứ 17 triển khai chương trình thúc đẩy phổ cập chữ ký số cá nhân cho người dân. Với sự cam kết của các CA công cộng, qua chương trình này, người dân sẽ được cấp chứng thư số với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, như miễn phí trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chứng thư số và ký số dịch vụ công trực tuyến.
Về tích hợp giải pháp chữ ký số vào Cổng dịch vụ công, theo thống kê của NEAC, tính đến ngày 26/10, đã có 55/63 Cổng dịch vụ công của địa phương đã sẵn sàng cho người dân sử dụng chữ ký số theo hình thức ký số từ xa với ít nhất 1 nhà cung cấp dịch vụ.
61/63 Cổng dịch vụ công của địa phương và 9 bộ, ngành đã và đang tiến hành kết nối với hệ thống eSign của Bộ TT&TT, trong đó có 38/63 cổng DVC của địa phương và 1 bộ đã đưa chức năng ký số lên sử dụng chính thức.