Mỗi người cần trang bị bộ lọc tin giả
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, mỗi cá nhân cần có kỹ năng số để lọc tin giả, đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Tọa đàm về giải pháp hạn chế tin giả, tin sai sự thật trong khuôn khổ họp báo công bố Chiến dịch Tin, diễn ra sáng 11/10. Tại đây, lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, đại diện TikTok Việt Nam cùng đại diện cộng đồng nhà sáng tạo nội dung bày tỏ quan điểm về vấn nạn tin giả, đề xuất các giải pháp xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Giang Huy
Theo ông Lê Quang Tự Do trước đây, tin giả phát tán bằng cách truyền miệng, phát tờ rơi... với mức độ lan tỏa thấp. Từ khi có sự xuất hiện của Internet và mạng xã hội thì tin giả, tin sai sự thật có thể được lan truyền tới hàng triệu người chỉ trong vài giây.
Ông lấy ví dụ về chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 với rất nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên Facebook, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Trong nước, năm 2021 cao điểm dịch bệnh, các tin giả liên quan đến Covid-19 khiến nhiều người đổ xô đi gom hàng, di chuyển khỏi nơi ở làm cho tình trạng lây lan bệnh càng nghiêm trọng.
Hiện công nghệ AI có thể tạo ra những con người như thật có thể livestream bán hàng - giao tiếp, nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt thật, giả. Thậm chí, nhiều đối tượng dùng AI cắt ghép lồng gương mặt người nổi tiếng vào phim... ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
(Từ trái qua) Chuyên gia truyền thông Đinh Đức Hoàng, ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam, Nhà sáng tạo nội dung số Lê Bống và ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử. Ảnh: Giang Huy
"Nếu mỗi cá nhân nhận thức việc cần thiết phải chống tin giả thì sẽ nhiều người không phải đối diện với thực trạng trên. Đó cũng chính là lý do Chiến dịch Tin ra đời", ông Tự Do nhấn mạnh.
Đại diện TikTok Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng không thể phủ nhận vai trò của Internet và smartphone rút ngắn khoảng cách về không gian địa lý. Song đây cũng là vấn đề khi một thông tin sai lệch phát tán lên mạng xã hội có thể tiếp cận hàng triệu người chỉ trong vài phút.
"Nhiều người thản nhiên chia sẻ thông tin mà không biết có thể gây hậu quả khôn lường. Vì vậy chúng ta phải thay đổi cách tiếp nhận thông tin trong cuộc sống cũng như trên mạng để xã hội tốt đẹp hơn", ông Thanh nói.
Lê Bống (Lê Xuân Anh) - nhà sáng tạo nội dung số chia sẻ, bản chất của tin giả là đăng tin giật gân nóng hổi, tạo ý kiến trái chiều nhằm mục đích câu like, view để trục lợi cá nhân; hoặc lừa đảo, tuyên truyền chống phá, hay đơn giản là muốn gây sự chú ý. "Lúc này vai trò của các nhà sáng tạo nội dung rất quan trọng, nhất là trong việc chọn lọc thông tin để đăng tải", nữ TikToker bày tỏ.
Lê Bống - nhà sáng tạo nội dung số. Ảnh: Giang Huy
Để hạn chế tình trạng tin giả, tin sai sự thật, ông Lê Quang Tự Do cho biết hiện công nghệ liên tục thay đổi, dẫn đến bộ quy ước tiêu chuẩn cho người tạo ra nội dung sử dụng phải cập nhật thường xuyên, dựa trên phản hồi của cộng đồng... Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. Mỗi người cần được trang bị được vaccine bộ lọc tức là kỹ năng số để đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Lãnh đạo Cục cũng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ triển khai xác thực người dùng tài khoản xã hội bằng số điện thoại. Trong năm 2024, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ triển khai các chương trình, giải thưởng lớn cho nhà sáng tạo nội dung nhằm phát triển nội dung sạch. "Khi các nền tảng lớn cùng chung tay, những nhà sáng tạo nội dung sạch hưởng lợi nhiều", ông Tự Do nhận định.
Ở góc độ từ một nhà mạng xã hội, đại diệnTiktok Việt Nam chia sẻ, nền tảng cũng có nhiều giải pháp để hạn chế tin giả, tin sai sự thật, trong đó có kiểm soát theo mức độ gây thiệt hại. Những thông tin quan trọng, khẩn cấp sẽ được xử lý ngay lập tức, bên cạnh các quy chế quản lý người sử dụng dưới 18 tuổi; khuyến khích người dùng xác thực thông tin.
TikToker Lê Bống cho rằng sản xuất nội dung sạch vừa mang lại giá trị cho cộng đồng, nhà sản xuất nội dung số vừa kiếm được tiền và tồn tại bền vững. Cô lấy ví dụ bản thân từng quảng bá miễn phí cho một hoạt động du lịch. Cô bất ngờ khi video nhận được gần 2 triệu lượt xem sau một ngày đăng tải, cùng rất nhiều lượt tương tác."Những video mang thông điệp tích cực, nội dung ý nghĩa sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì chúng ta lan tỏa", cô nói.
Chiến dịch Tin do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Báo VnExpress phối hợp với Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức từ 2/10 đến 15/11 hướng đến mục tiêu cung cấp những kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, đánh giá, sàng lọc và xử lý hiệu quả khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng.
Các hoạt động chính của chiến dịch gồm: Cuộc thi sáng tạo nội dung "Anti Fake News" trên nền tảng TikTok; Chương trình nâng cao văn hóa mạng Việt Nam và rất nhiều những hoạt động, ấn phẩm truyền thông được chia sẻ rộng rãi trên mọi nền tảng mạng xã hội.