Khuyến khích công dân số trẻ tham gia xây dựng Chính phủ điện tử
Ngày 6/12, tại Hà Nội, Chương trình Youth Co:Lab, đồng sáng lập bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phát động cuộc thi “Thử thách Công dân số 2022” nhằm khuyến khích thanh niên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ, sáng kiến truyền thông để hỗ trợ chính quyền địa phương trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.Phát biểu tại sự kiện, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP đánh giá cao nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong chuyển đổi số. Việt Nam đã cam kết chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển hệ sinh thái Chính phủ điện tử để hiện đại hóa nền hành chính, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên Hợp Quốc, năm 2020, Việt Nam đã chuyển dịch từ nhóm EGDI trung bình lên nhóm EGDI cao, tăng 13 bậc trong bảng xếp hạng chung và xếp thứ 86/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ điện tử, kinh tế điện tử và xã hội điện tử. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một văn bản chiến lược cấp quốc gia trong lĩnh vực Chính phủ điện tử. Chương trình này đề ra các mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm đưa 80% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến vào năm 2025.
“Để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu nằm trong 70 quốc gia hàng đầu về EDGI như đã nêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UNDP hợp tác với các đối tác khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc xây dựng chính phủ điện tử thân thiện và hiệu quả. "Thử thách Công dân số” là một sáng kiến đổi mới trong những nỗ lực của chúng tôi. Thanh niên thường được xem như công dân số. Cuộc thi là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện khả năng sáng tạo, đưa ra những ý tưởng đột phá, tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng và đóng góp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia”, ông Patrick Haverman nói.
Cuộc thi được tổ chức với mục đích khai thác tiềm năng sáng tạo của giới trẻ và sức mạnh của công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động, là trung tâm phát triển khởi nghiệp sáng tạo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. "Thử thách Công dân số 2022” chào đón tất cả đối tượng tham gia bao gồm sinh viên, lập trình viên, nhà thiết kế, doanh nhân… từ độ tuổi 18 đến 30 (không giới hạn vị trí địa lý, dân tộc) có ý tưởng và khả năng trong mảng công nghệ thông tin, truyền thông, khởi nghiệp hoặc các lĩnh vực thuộc đề tài của cuộc thi.
“Thử thách Công dân số 2022” được chia làm bốn giai đoạn chính: Từ ngày 6 - 20/12/2022, mở đơn đăng ký tham gia cuộc thi. Ngày 25/12/2022, công bố Top 10 đội thi lọt vào vòng đào tạo (bootcamp). Ngày 28/12/2022, 10 đội có ý tưởng xuất sắc nhất được tham gia đào tạo chuyên sâu với những chuyên gia trong nước và quốc tế để phát triển ý tưởng của mình. Từ ngày 7 - 8/1/2023 diễn ra vòng thi chung kết (hackathon).
Ba đội nhất, nhì, ba vòng chung kết nhận phần thưởng tiền mặt lần lượt là 1.000 USD, 700 USD và 500 USD. Các ý tưởng đủ điều kiện sẽ được Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học & công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn thí điểm để nâng cao chất lượng dịch vụ công điện tử và tạo ra mạng lưới các nhà tiên phong đổi mới sáng tạo năng động và toàn diện hơn tại Việt Nam./.