Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giảng dạy môn khoa học cơ bản
Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo 'Nội dung và chương trình giảng dạy môn khoa học Cơ bản khối các trường kinh tế trong điều kiện tự chủ đại học'.
Toàn cảnh hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám Học viện Tài chính nhấn mạnh, Hội thảo khoa học nhằm nhận diện những xu hướng trong tự chủ đại học và những tác động đến các môn khoa học cơ bản trong các trường khối ngành kinh tế với bối cảnh môi trường số hiện nay.
Hội thảo cũng đề cập những thuận lợi và khó khăn khi triển khai chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học cơ bản; xu hướng chuyển đổi phương pháp, nội dung và kết cấu các môn khoa học cơ bản trong điều kiện tự chủ đại học ở môi trường số.
Từ các bài viết, các trao đổi của các chuyên gia, giảng viên, Hội thảo mong muốn có được những chia sẻ kinh nghiệm về công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, tạo ra những liên kết giữa các trường để cùng tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao vị thế các môn khoa học cơ bản trong các nhà trường.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) của Việt Nam nhấn mạnh, khoa học cơ bản ngày càng có vai trò quan trọng với các trường thuộc khối ngành kinh tế trong thời chuyển đổi số.
Những thay đổi của môi trường số đã ảnh hưởng đến đào tạo trong khối ngành kinh tế đã được GS.TS Hồ Tú Bảo lý giải và nhấn mạnh, tại sao làm kinh tế trên môi trường thực - số càng cần đến khoa học cơ bản, đặc biệt là Toán học và Tin học.
Đặt vấn đề, dạy Toán thế nào ở các trường đại học khối kinh tế, GS.TS Hồ Tú Bảo trao đổi, việc này cần bắt đầu từ xây dựng chương trình đến cách dạy. Động lực thay đổi của việc dạy Toán ở khối ngành này là, làm sao để người làm kinh tế dùng được Toán cho kinh tế số trên môi trường thực-số.
GS.TS Hồ Tú Bảo tham luận tại hội thảo.
Tăng cường vận dụng Toán học và Kinh tế lượng vào nghiên cứu kinh tế trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin là tham luận của GS.TS Chúc Anh Tú - Trưởng Ban Khảo thí và Quản lý Chất lượng, Học viện Tài chính.
Theo đó, những vấn đề cần được gồm: Thứ nhất, về điều kiện dạy và học trực tuyến, có thể nói đây là công việc chung của các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, bao gồm hệ thống mạng, thiết bị.
Thứ hai, về hình thành kho dữ liệu trực tuyến quốc gia, trước hết phải bắt đầu là kho dữ liệu ở từng môn học, thể hiện ở nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, bài tập/bài tập tình huống.
Thực tế, trong điều kiện hiện nay số hóa - lưu giữ - cung cấp các tài liệu là phù hợp với môi trường và thời đại “digital era”. Thay bằng việc in, phát hành thì sẽ thu phí đối với người sử dụng thông qua việc cung cấp tài khoản và pass khi đã thu được đầy đủ phí sử dụng (có thể theo năm, theo kỳ, theo giai đoạn).
Thứ ba, về tăng cường hình thức đào tạo trực tuyến/E learning: tỷ lệ (%) được phép giảng dạy trực tuyến bắt buộc phải theo quy định của Bộ GD&DT. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục cần tính toán và vận dụng phù hợp. Các Bộ môn cần phải xây dựng các bài giảng online thông qua các clip ghi hình, ghi tiếng nhằm hỗ trợ người học tự học, ôn tập cũng như phát triển nhằm phục vụ cộng đồng.
Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến phân tích, chỉ ra mối tương quan giữa giáo dục trực tuyến và giáo dục trực tiếp; làm rõ những hạn chế của giáo dục trong môi trường số; nhận diện các yêu cầu, định hướng và các giải pháp cần thiết thúc đẩy chuyển đổi số trong giảng dạy đại học, với 3 nhóm đối tượng liên quan là: người dạy, người học và quản lý; Đa số các ý kiến khẳng định, việc giảng dạy các môn khoa học cơ bản đã, đang và sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng và đóng góp to lớn trong sự phát triển khoa học liên ngành nói chung và trong định hướng giảng dạy ở khối các đại học kinh tế nói riêng, trong đó có Học viện Tài chính. |